Dân số gần 60 triệu người, 90% hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế… còn bỏ ngỏ là các lý do khiến Myanmar trở thành thị trường đầu tư mới nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cạnh tranh gay gắt
Myanmar đang mở cửa và các tập đoàn kinh tế quốc tế đang ráo riết xúc tiến việc đầu tư ở nước này nên nhà đầu tư VN phải khẩn trương vào thị trường này. Đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo “Các cơ hội kinh doanh tại Myanmar” do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 3/5/2013.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Viettranimex, cảnh báo tại hội thảo trên rằng ở thị trường Myanmar, các nhà đầu tư Việt Nam đang chậm so với giới đầu tư của nhiều nước khác.
Theo ông Thanh, cạnh tranh tại Myanmar đang khá gay gắt và thành công phụ thuộc nhiều vào việc chớp thời cơ. Thế nhưng, các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam dường như chưa mặn mà lắm với thị trường này do lo ngại luật pháp của Myanmar chưa ổn định. Những DN vừa và nhỏ thì khó chen chân vì thiếu vốn lẫn khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài khác. “Sự cạnh tranh khá gay gắt, nhất là với các DN Trung Quốc. Công ty chúng tôi mới có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 10 triệu USD vào lĩnh vực hợp tác nông nghiệp thì chỉ một công ty Vân Nam – Trung Quốc đề nghị đầu tư 300 triệu USD vào lĩnh vực này”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Việt Nam đã đầu tư vào Myanmar 7 dự án, tổng vốn 460 triệu USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), tính đến nay, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong số 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của DN Việt Nam. Riêng trong quý 1/2013, Myanmar chiếm 11,3% vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (đứng sau Liên bang Nga và Lào). Mục tiêu đến 2015, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Myanmar tăng lên 500 triệu USD và đầu tư giữa hai nước đạt 1 tỉ USD.
Cần sự kiên trì
Myanmar được nhiều tập đoàn quốc tế đánh giá là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. Với các doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội đầu tư sang thị trường mới này là lớn nếu vượt qua được khó khăn do cạnh tranh, thủ tục rườm rà, thanh toán khó khăn… Ông Huỳnh Công Trung – Phó giám đốc marketing của TCT Thương mại Sài Gòn (Satra) – cho biết hành trình xin giấy phép mở văn phòng đại diện của Satra tại thị trường này khá gian nan. Satra đã thuê tư vấn chuyên nghiệp ngay tại nước sở tại để hoàn thành hồ sơ nhưng cũng mất đến 6 tháng mới được cấp phép chính thức.
Ông Đàm Xuân Bắc – Tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TP.HCM – chia sẻ: “Nếu muốn làm ăn ở đây thì DN cần phải có sự kiên trì. Bởi thị trường này vẫn còn tồn tại cơ chế cũ với những thủ tục hành chính rườm rà khiến DN dễ nản lòng. Bên cạnh đó, đặc điểm về kinh tế thương mại quốc tế cũng theo kiểu riêng của Myanmar chứ chưa hoàn toàn theo thông lệ quốc tế”.
Myanmar cho phép đầu tư gần như mọi lĩnh vực
Trước đây, Myanmar giới hạn đầu tư nước ngoài, nhưng nay đã mở rộng ra mọi lĩnh vực, chỉ trừ một vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng. Thời hạn thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nâng trung bình từ 30 năm trước đây lên 50 năm; thuế thu nhập DN đầu tư nước ngoài từ 30%/năm giảm còn 25%/năm… Myanmar không khống chế tỷ lệ góp vốn của DN nước ngoài trong hợp tác đầu tư hay liên doanh.
(Nguồn: tinnong.vn, DCPA)